Những điểm mới được quy định trong Nghị định số 147/2024/NĐ-CP được đánh giá là bước tiến trong quản lý không gian mạng và bảo vệ người dùng, giúp nâng cao ý thức và trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội. - Cổng thông tin điện tử - Phường 10
Giải quyết tình trạng “vô danh nên vô trách nhiệm”
Nghị định 147/2024/NĐ-CP vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành sẽ có hiệu lực vào ngày 25.12.2024. Nghị định áp dụng với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Một trong những điểm đáng chú ý của Nghị định 147 là, người dùng mạng xã hội phải cung cấp thông tin cá nhân cơ bản gồm họ tên, ngày sinh, số điện thoại di động tại Việt Nam hoặc ID (nếu không có số điện thoại). Mạng xã hội phải thực hiện xác thực người dùng qua số điện thoại hoặc số định danh cá nhân đã đăng ký.
Chỉ các tài khoản mạng xã hội đã được xác thực mới được cung cấp thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Các tài khoản mạng xã hội thực hiện livestream với mục đích thương mại như bán hàng, có phát sinh doanh thu thì phải xác thực bằng số định danh cá nhân.
Nghị định quy định người sử dụng được bảo vệ thông tin theo quy định của pháp luật, đồng thời phải chịu trách nhiệm về nội dung do mình cung cấp, lưu trữ, truyền đưa, chia sẻ trên mạng; tuân thủ quy định pháp luật chuyên ngành khi cung cấp dịch vụ chuyên ngành trên mạng xã hội; tuân thủ quy định về thuế và thanh toán khi có hoạt động kinh doanh, phát sinh doanh thu.
Các chủ kênh/tài khoản/nhóm cộng đồng/trang cộng đồng (fanpage) trên các mạng xã hội tại Việt Nam có quyền và trách nhiệm được đăng ký để tham gia các khóa tập huấn, phổ biến quy định pháp luật của Bộ TTTT và được khuyến nghị lựa chọn quảng cáo; không đặt tên kênh/tài khoản/nhóm cộng đồng/trang cộng đồng giống hoặc trùng với cơ quan báo chí hoặc gây nhầm lẫn cơ quan báo chí…
Bên cạnh đó, có trách nhiệm tạm khóa, gỡ bỏ thông tin vi phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi của tổ chức, cá nhân khác chậm nhất 48 giờ khi có yêu cầu từ người sử dụng mạng xã hội hoặc chậm nhất không quá 24 giờ khi nhận được yêu cầu từ cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền. Không lợi dụng để sản xuất nội dung dưới hình thức phóng sự, điều tra, phỏng vấn báo chí. Khi livestream phải tuân thủ quy định tại Nghị định này và quy định chuyên ngành.
Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, các quy định mới sẽ giải quyết được tình trạng “vô danh nên vô trách nhiệm”. Các nền tảng phải cung cấp thông tin người sử dụng cho Bộ TTTT, Bộ Công an khi có yêu cầu đối với những tài khoản, trang kênh có dấu hiệu vi phạm.
Phòng tránh nguy cơ rò rỉ những dữ liệu
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Hữu Trung, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần an ninh mạng Cystack khẳng định, việc xác thực tài khoản mạng xã hội sẽ giúp giảm thiểu các vụ lừa đảo qua mạng xã hội.
“Vấn đề đặt ra là ai sẽ là người nắm trong tay các thông tin xác thực dữ liệu liên quan đến danh tính người dùng, bởi sẽ có bên lưu trữ dữ liệu (mạng xã hội), bên sử dụng dữ liệu, bên xử lý dữ liệu. Dữ liệu khi bị mất mát, bị rò rỉ hay sửa đổi có thể do các bên. Vậy thì việc áp dụng các quy định về pháp luật cần áp dụng cho tất cả các bên” - ông Trung nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hưng - Chuyên gia bảo mật thông tin, Giám đốc R&D tại Vietnix Hosting - cho biết, quy định xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại là một bước đi quan trọng trong bối cảnh các vụ việc lừa đảo có sử dụng mạng xã hội làm công cụ chiếm đến 70%.
Theo ông Hưng, tài khoản ảo là nguồn gốc của nhiều vấn đề trên mạng xã hội, như phát tán tin sai lệch, lừa đảo, quấy rối. Việc bắt buộc xác thực sẽ hạn chế việc tạo tài khoản ảo và nặc danh, khiến các hành vi vi phạm trở nên khó thực hiện hơn. Khi tài khoản gắn liền với danh tính thực (qua số điện thoại hoặc số định danh cá nhân), các hành vi phạm pháp sẽ dễ dàng bị truy vết và xử lý.
“Nghị định giúp đồng bộ hóa hệ thống quản lý, đảm bảo luật pháp áp dụng thống nhất giữa môi trường thực và môi trường số, tạo ra một không gian mạng minh bạch và lành mạnh” - chuyên gia bảo mật thông tin nhấn mạnh.
Theo ông Hưng, sau khi Nghị định 147 có hiệu lực, có thể xảy ra trường hợp các đối tượng sử dụng số điện thoại đã đăng ký dưới tên người khác để “vượt qua” bước xác thực. Hiện nay các dịch vụ cho thuê số điện thoại ngắn hạn dùng cho mục đích nhận tin nhắn xác thực tài khoản cũng đang rất phổ biến.
Có thể xảy ra tình trạng dùng VPN (mạng riêng ảo) để che giấu địa chỉ IP thật; sử dụng nền tảng không tuân thủ quy định; tấn công hoặc mua lại tài khoản đã xác thực...
Để khắc phục các bất cập trên, ông Hưng đề xuất, cần đảm bảo hệ thống xác thực tài khoản mạng xã hội được liên kết với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kiểm tra tính chính xác và tính hợp pháp của số điện thoại và thông tin định danh; chỉ chấp nhận số điện thoại chính chủ đã được xác thực bởi nhà mạng.
Ông Hưng khuyến nghị người dùng bật bảo mật 2 lớp (2FA), đảm bảo chỉ chủ tài khoản mới có thể truy cập, hạn chế rủi ro bị chiếm đoạt. Xây dựng cơ chế giám sát tự động trên các nền tảng mạng xã hội để phát hiện và cảnh báo các giao dịch, tương tác bất thường.
Theo https://laodong.vn/
